Một trò xuyên tạc rẻ tiền, nhảm nhí của Phương Nguyễn.

Trần Mai Trung

Lâu nay, các thế lực thù địch, những kẻ cơ hội chính trị khoác áo dân chủ nhân quyền cả trong và ngoài nước thi nhau đào bới lịch sử Trung Quốc, Việt Nam để tìm cách “chứng minh” cho bằng được Hồ Chí Minh là người Trung Quốc nhằm mục đích chống phá Việt Nam. Nguyễn Tất Thành hay Nguyễn Ái Quốc – theo chúng thì đã bị “thủ tiêu” với những cái gọi là “nhân chứng, vật chứng” có vẻ rất là …đâu ra đấy. Mục đích thì ai cũng hiểu, chúng sống chết để tìm chứng cứ chứng minh Trung Quốc thao túng dân tộc Việt Nam, biến Việt Nam thành con bài chiến đấu với Mỹ cho “Xô – Trung đắc lợi”. Thực chất, việc hạ bệ lãnh tụ Hồ Chí Minh cuối cùng cũng chỉ là nhằm chứng minh phủ nhận vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập ra không phục vụ lợi ích dân tộc, là đảng ngoại bang; chúng đã đề ra hẳn một chủ trương “muốn thoát Cộng, phải thoát Hồ”…

Gần đây, trong một bài viết đăng trên mạng xã hội có tên: “Tại sao trước khi chết Hồ Chí Minh đòi nghe nhạc Tàu và Việt cộng lại bịa ra chuyện y tá Ngô Thị Oanh hát nhạc Việt cho Hồ nghe?” của một kẻ vô cùng láo xược mà cộng đồng mạng và những người có trách nhiệm với an ninh chính trị đất nước không còn lạ gì mang bút danh Phương Nguyễn dám xuyên tạc trắng trợn rằng: “Hồ Chí Minh là người Tàu nên trước khi chết mới đòi nghe nhạc Tàu và Việt cộng bịa ra chuyện y tá Ngô Thị Oanh hát cho Hồ nghe trước khi chết là cố che giấu thân phận Tàu nhập Việt đóng thế Nguyễn Ái Quốc của tình báo Hoa Nam mang bí danh Hồ Chí Minh”.

Trước hết, cần nói đôi chút về “Em gái nhỏ” đã hát cho Hồ Chủ tịch trước lúc đi xa trong các khúc nổi tiếng “Lời Bác dặn trước lúc Người đi xa” của cố nhạc sĩ Trần Hoàn. Theo thông tin được nhiều trang báo chính thống đăng tải rộng rãi thì nguyên mẫu của nhân vật “Em gái nhỏ” là nữ y tá Ngô Thị Oanh. Hiện bà Oanh vẫn còn sống, đã nghỉ hưu với cấp bậc thiếu tá, từng công tác tại Viện Quân y 108 (nay là Bệnh viện Trung ương Quân đội 108). Bà kể lại câu chuyện lịch sử mà mình vinh dự chứng kiến: Cuối tháng 8/1969, nữ y tá Ngô Thị Oanh và Trần Thị Quí của Viện Quân y 108 cùng 2 bác sĩ nữa được triệu tập để nhận một nhiệm vụ đặc biệt: Chăm sóc sức khỏe cho Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Suốt thời gian đó, Tổ y tế túc trực bên Hồ Chủ tịch 24/24 giờ, chăm sóc từng giấc ngủ, miếng ăn, hoặc ngồi xung quanh, trò chuyện với Bác. Một lần, chị Oanh và chị Quí đang ngồi bên Bác thì ông Vũ Kỳ – Thư ký của Hồ Chủ tịch bảo ai biết hát thì hát cho Bác nghe. Vì sợ, cũng vì xấu hổ nên 2 chị đùn đẩy nhau, cuối cùng chị Oanh đứng lên hát bài “Quân y làm theo lời Bác” (do anh Đỗ Niệm ở Viện 108 sáng tác). Ông Vũ Kỳ lại hỏi ai biết hát dân ca thì hát cho Bác nghe, nên chị Oanh hát tiếp bài quan họ “Người ơi người ở đừng về”.

Chị Ngô Thị Oanh kể, vì kính nể Hồ Chủ tịch mà chị hát chứ đã bao giờ dám hát một mình đâu, nên chị run lắm. Nhưng nghe chị hát xong, Hồ Chủ tịch vỗ tay hoan hô và bảo lấy cho Bác bông hoa đang cắm trong bình nơi đầu giường rồi tặng chị! Bông hồng trắng ấy, chị đã ép vào cuốn sổ và lưu giữ như một báu vật! Suốt nhiều năm sau, chị Oanh vẫn không nguôi quên những ngày tháng được phục vụ Hồ Chủ tịch, được trò chuyện cùng Bác và nhất là được hát cho Bác nghe. Chị mang theo về những đồ vật làm kỷ niệm: chiếc móng tay của Bác do chị cắt, chiếc khăn Bác rửa mặt, cả chiếc hộp xốp đựng socola mà Bác được biếu… Chị đã nâng niu, cất giữ nhiều năm liền trước khi đưa chúng vào nhà truyền thống, khi đơn vị yêu cầu.Cũng do yêu cầu bí mật quốc gia, những điều mà chị Ngô Thị Oanh được chứng kiến, được biết về thời khắc cuối cùng của Hồ Chủ tịch vẫn được chị giữ kín. Cho tới khi được phép “tiết lộ” trên các cơ quan báo chí chính thống trong thời gian gần đây. Lúc đầu được nghe bài “Lời Bác dặn trước lúc đi xa”, chị Ngô Thị Oanh rất thích nhưng không mảy may nghĩ rằng, nhân vật được nhắc đến trong ca khúc lại chính là mình! Mãi sau, chị mời ngờ ngợ có thể “em gái nhỏ” ấy là mình, vì khi đó, chỉ có chị hát cho Bác nghe bài dân ca quan họ “Người ơi, người ở đừng về”! Nhưng phải vài năm sau, cô y tá hát cho Bác nghe trong ca khúc mới được khẳng định chính là chị, Thiếu tá Ngô Thị Oanh.

Như thế là đã rõ, “Em gái nhỏ” hát tặng Bác bài “Người ơi, người ở đừng về” trước lúc Người đi xa mà cố nhạc sĩ Trần Hoàn lấy cảm hứng để sáng tác ca khúc nổi tiếng “Lời Bác dặn trước lúc đi xa” chính là y tá quân y Ngô Thị Oanh. Phương Nguyễn hãy thôi rêu rao rẻ tiền, nhảm nhí khi cố bày trò xuyên tạc bậy bạ, láo xược rằng “Hồ Chí Minh là người Tàu nên trước khi chết mới đòi nghe nhạc Tàu”.

Có thể nói rằng, bằng cách ngụy tạo chứng cứ và xuyên tạc bóp méo tài liệu lịch sử về Bác Hồ để lừa mị nhân dân, đổi trắng thay đen hòng làm mất đi tinh thần dân tộc, lòng yêu nước của nhân dân ta là mục đích của những kẻ cơ hội chính trị, bất mãn, phản động chống phá như Phương Nguyễn. Để thực hiện mưu đồ trên, đám người này thường tập trung khoét sâu vào các vấn đề nhân thân, lai lịch, đời tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh theo kiểu dựa trên những nguồn thông tin không rõ nguồn gốc, hình ảnh đã photoshop hoặc cắt xén để nhào nặn, sao chép, tạo ra những tác phẩm sai trái, câu chuyện hoang đường có liên quan đến con người, thân thế và sự nghiệp của Người. Thủ đoạn của các đối tượng là “tạo sóng ngầm trong bể” khi tung tin cho rằng Nguyễn Ái Quốc đã chết tại Trung Quốc và con người bằng xương, bằng thịt được cả dân tộc Việt Nam tôn kính là một người Đài Loan-Trung Quốc. Việc gán ghép, quy chụp cho rằng Bác Hồ là người gốc Trung Quốc là thủ đoạn nham hiểm khi chúng lợi dụng tâm lý bức xúc của người dân Việt Nam trước những vấn đề lịch sử giữa Việt Nam và Trung Quốc, đặc biệt là các hành động của Trung Quốc xâm phạm chủ quyền quốc gia của Việt Nam trên biển Đông. Kích động lòng hận thù dân tộc, thúc đẩy tư tưởng “bài Hoa”, đối đầu với Trung Quốc vốn là mục tiêu cả trước mắt lẫn lâu dài của các thế lực thù địch, các con buôn chính trị khoác áo dân chủ nhân quyền. Bên cạnh đó, các đối tượng bịa đặt dàn dựng những vở kịch về đời tư của Chủ tịch Hồ Chí Minh với các luận điệu như: Hồ Chí Minh không phải là người vĩ đại đã hy sinh cuộc đời riêng để tận hiến cho dân tộc, mà từng có vợ, con và nhiều người tình. Rồi sau đó quy kết cho rằng Hồ Chí Minh không dám thừa nhận và nhẫn tâm bỏ mặc vợ con mình. Chúng còn bịa đặt ra những câu chuyện hoang đường, trong đó Hồ Chí Minh được miêu tả như một con người tầm thường, bản năng và sống xa hoa hưởng lạc, chứ không hề giản dị thanh bạch như “cộng sản tuyên truyền”… Âm mưu xóa bỏ Đảng Cộng sản Việt Nam, xóa bỏ chế độ XHCN ở Việt Nam là mục tiêu không hề thay đổi của các thế lực thù địch. Bôi nhọ, hạ bệ thần tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lòng nhân dân Việt Nam là một trong những “mặt trận” của chúng để thực hiện âm mưu này. Vì vậy, mỗi người dân Việt Nam và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài luôn nêu cao tinh thần cảnh giác, phát hiện và loại bỏ những thông tin, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, các đối tượng chống phá trong và ngoài nước bôi nhọ đến thanh danh, đạo đức, nhân phẩm Chủ tịch  Hồ Chí Minh.