Với những kẻ như Phạm Trần sao có thể bàn về “hòa hợp”?

Hoàng Vĩnh Nguyên

Ngày 30/4/1975, Chiến dịch Hồ Chí Minh toàn thắng, đất nước sạch bóng thù, non sông thu về một mối, lịch sử Việt Nam bước sang một trang mới, thời kỳ của hòa bình, độc lập, thống nhất. 49 năm đã qua từ trang sử chói lọi ấy, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân đoàn kết một lòng hàn gắn vết thương chiến tranh, tiến hành công cuộc đổi mới đưa đất nước tiến lên. Trong đó hòa giải, hòa hợp dân tộc nhằm tạo ra sức mạnh tổng hợp để phát triển luôn là một chủ trương, chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước. Tuy nhiên chính sách thể hiện tính đoàn kết, nhân văn, nhân đạo sâu sắc này lại bị các thế lực thù địch, một số phần tử phản động, cơ hội chính trị xuyên tạc với những giọng điệu hằn học, nhằm khơi dậy hằn thù, phủ nhận chính sách hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng và Nhà nước ta. Đặc biệt là trong dịp kỷ niệm Ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4, trên một số tờ báo ở hải ngoại thiếu thiện chí, các trang mạng xã hội, facebook cá nhân, các thế lực thù địch đăng tải nhiều bài viết, clip phỏng vấn, trao đổi xuyên tạc bản chất cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta; chống phá chủ trương, chính sách và những kết quả trong công tác hòa giải, hòa hợp dân tộc. Chúng thường rêu rao, không thể có hòa hợp dân tộc khi còn chế độ “toàn trị” của Đảng Cộng sản; muốn hòa giải dân tộc thì “phải công nhận chế độ Sài Gòn”, “phải phục hồi danh dự cho những người trong chế độ cũ” và chỉ khi nào “chế độ cộng sản sụp đổ, người Việt mới có hòa hợp, hòa giải”…

Phạm Trần-một hậu duệ đời đầu của chế độ tay sai Việt Nam Cộng hòa (VNCH), kẻ đã nhanh chân cao chạy xa bay ngay sau ngày 30/4/1975 để định cư ở Mỹ. Sau khi hoàn hồn, kể từ đó đến nay y liên tục viết bài, tung ra những luận điệu chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Gần đây, trong một bài viết trên mạng xã hội mang tên “Hòa hợp không hòa giải”, Phạm Trần cho rằng: “Mới đấy mà đã 20 năm kể từ khi đảng CSVN cho ra đời  Nghị quyết 36 về “Công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài” (26/03/2004-26/03/2024). Nhưng đâu là nguyên nhân chưa có “đoàn kết trong-ngoài” để hòa giải, hòa hợp dân tộc? Nhìn lại chặng đường gian nan này, đã có nhiều ý kiến và bài viết được trình bầy để giải thích tại sao vẫn còn ngăn cách giữa Cộng đồng trên 6 triệu người Việt ở nước ngoài với Nhà nước CSVN. Một trong những lý do vì đảng CSVN chỉ muốn “hòa hợp” mà “không hòa giải”, xóa bỏ khác biệt về chính trị giữa đảng cầm quyền và người Việt Nam ở nước ngoài”. Và kẻ mang tên Phạm Trần này còn rêu rao rất bậy bạ rằng: “đảng CSVN chỉ muốn người Việt đối lập “hòa hợp” vào với đảng cầm quyền mà không muốn “hòa giải” để phải “chia quyền”. Trước hết, cần phải nói rõ về “hòa giải” và “hòa hợp” mà không ít người từ trước đến nay cho rằng nó là một. Thực chất đây là hai khái niệm, hai công việc khác nhau, “hòa giải” sau đó mới “hòa hợp”, không thể lẫn lộn. “Hòa giải” là phải có hai bên. Mùa xuân năm 1975 dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, nhân dân Việt Nam đã chiến thắng, đất nước sạch bóng thù, giang sơn thu về một mối, chế độ tay sai VNCH đã thành một thây ma chính trị không ai buồn nhắc tới thì ai tập hợp để đặt ra vấn đề “hòa giải”? Vấn đề đặt ra là chúng ta cần phải “hòa giải” với những “cựu thù” đã từng đem quân đến xâm lược nước ta với tinh thần “gác lại quá khứ, hướng tới tương lai”. Với mục tiêu “thêm bạn bớt thù”, từ Đại hội Đảng VII (năm 1991), Đảng và Nhà nước ta đã có bước đột phá tư duy trong đường lối đối ngoại, khi thực hiện chủ trương: “Việt Nam muốn làm bạn với tất cả các nước trong cộng đồng thế giới, phấn đấu vì hòa bình, độc lập và phát triển”. Quan điểm đó đã hóa giải được những khác biệt về ý thức hệ và những bất đồng với tất cả các quốc gia từng là cựu thù và trở thành đối tác chiến lược toàn diện, đối tác chiến lược, đối tác toàn diện của Việt Nam. Đây là nguyên nhân mang tính quyết định để đất nước thoát khỏi tình trạng bị cô lập, hội nhập với thế giới, và tạo ra sự phát triển vượt bậc cho đất nước. Ở trong nước, thậm chí ở hải ngoại bây giờ không còn một lực lượng chính thống nào khác để bàn chuyện thương lượng “hòa giải”. Như vậy, cái gọi là “hòa giải” mà những kẻ vẫn “ôm mộng cờ vàng” đặt ra là hoàn toàn không có cơ sở. Không thể chấp nhận!

Chỉ còn vấn đề hòa hợp dân tộc để đoàn kết phát triển. Những ai muốn hòa hợp thì phải thừa nhận nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam hôm nay là một đất nước có độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, nhân dân Việt Nam làm chủ. Chúng ta không thể chấp nhận những kẻ như Phạm Trần luôn kêu gào hòa hợp dân tộc nhưng lại đòi hỏi chúng ta phải “chính thức thừa nhận từ bỏ chủ nghĩa Mác Lê nin, từ bỏ con đường Chủ nghĩa xã hội”.

Như thế thì ai mới là kẻ đã và đang phá hoại công cuộc hòa hợp dân tộc? Cuộc chiến tranh chống Mỹ kết thúc đã gần nửa thế kỷ, vậy mà đến nay vẫn còn một bộ phận nhỏ người Việt cả trong và ngoài nước, trong đó có Phạm Trần cùng những kẻ cơ hội chính trị cứ đến dịp 30/4 là công kích, thóa mạ, miệt thị nhau trên mạng xã hội. Hành động đó không chỉ trái với truyền thống, đạo lý của dân tộc, trái với tình người, gây hiềm khích chia rẽ dân tộc mà còn làm xấu xí hình ảnh, bản chất của người Việt, của đất nước trước bạn bè quốc tế. Chẳng lẽ Phạm Trần và những thành phần hay bày trò rêu rao công kích ấy không hiểu rằng nếu cứ nuôi lòng hiềm khích, thù hận thì chính chúng ta chứ không phải ai khác đang tự hại mình, hại con cháu mình và hại dân tộc mình hay sao? Phải chăng trong một bộ phận người Việt lòng hận thù giai cấp, hận thù ý thức hệ đã trở thành thâm căn cố đế, nên họ không ngộ ra được đâu là đạo lý, đâu là nhân bản văn minh? Làm sao có thể hòa hợp được với những kẻ cho đến hôm nay vẫn cho rằng nguy cơ cộng sản xưa nay vẫn là bóng ma vô hình len lỏi mọi ngóc ngách cuộc sống của họ, và trở thành nỗi tự kỷ ám thị trầm trọng. Dường như chẳng có lúc nào họ không cảnh báo nhau về “nguy cơ” đó và hình như ở đâu cũng có thể có nguy cơ Cộng Sản rình rập. Chính cái gọi là “cộng đồng cờ vàng” đang lãnh lấy hậu quả từ những “nguy cơ” được họ tạo ra để hù dọa nhau. Từ chỗ nó không có thực, phản xạ bầy đàn làm nó thành mối đe dọa có thực và nó trở thành nỗi tự kỷ ám thị có sự truyền nhiễm như một thứ dịch bệnh nặng nề đeo bám họ. Cộng đồng Việt ở hải ngoại còn nhớ rõ những trò kích động nhau để chống lại cái gọi là “nguy cơ Cộng sản”, “tuyên truyền làm lợi cho Cộng sản”, hay “phỉ báng cờ vàng”  mà chỉ có họ mới nhìn thấy nó trong “sợi dây thắt lưng một ca sĩ”, nhìn thấy nó trong những “bức tranh triển lãm nghệ thuật”, và ngay cả trong “cái chậu rửa chân”.  Qua sự kích động thì dân “cờ vàng” nào cũng thấy đó là “nguy cơ” cần phải dập tắt. Họ thực sự bị ám ảnh mạnh bởi lá cờ đỏ sao vàng đến nỗi bằng mọi giá họ không để cho nó xuất hiện bất cứ nơi đâu dù là trên sợi dây nịt hay một thoáng truyền hình. Sự kích động lẫn nhau cũng chỉ đi đến cái đích cuối là tụ tập bầy đàn để tỏ thái độ chống lại những “nguy cơ” họ tự tạo cho mình.

Cần khẳng định rằng, hòa hợp dân tộc là một trong những quan điểm cốt lõi của Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh. Trên quan điểm đó, Người yêu cầu: “Bất kỳ ai mà thật thà tán thành hòa bình, thống nhất, độc lập, dân chủ thì dù những người đó trước đây chống chúng ta, bây giờ chúng ta cũng thật thà đoàn kết với họ”.  Và khẳng định: “Đoàn kết là một chính sách dân tộc, không phải là một thủ đoạn chính trị”. Sau khi thực hiện đường lối Đổi mới, quan điểm về hòa giải, hòa hợp dân tộc tiếp tục được Đảng ta bổ sung, phát triển. Trong đó nổi bật là: Đại hội Đảng IX (Tháng 4/2001) khẳng định: “Thực hiện đại đoàn kết các dân tộc, tôn giáo, giai cấp, tầng lớp, thành phần kinh tế, mọi giới, mọi lứa tuổi, mọi vùng của đất nước, người trong Đảng và người ngoài Đảng… mọi thành viên trong đại gia đình Việt Nam dù sống trong nước hay ở nước ngoài”. Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị (ngày 26/3/2004) về công tác người Việt Nam ở nước ngoài đã nhấn mạnh: “Xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử do quá khứ hay thành phần giai cấp; xây dựng tinh thần cởi mở, tôn trọng, thông cảm, tin cậy lẫn nhau, cùng hướng tới tương lai. Mọi người Việt Nam, không phân biệt dân tộc, tôn giáo, nguồn gốc xuất thân, địa vị xã hội…”. Đại hội Đảng XII tiếp tục khẳng định: “tôn trọng những điểm khác biệt không trái với lợi ích chung của quốc gia – dân tộc; đề cao tinh thần dân tộc, truyền thống yêu nước, nhân nghĩa, khoan dung để tập hợp, đoàn kết mọi người Việt Nam ở trong và ngoài nước”. Như vậy quan điểm về hòa giải, hòa hợp dân tộc của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh là nhất quán và xuyên suốt. Cho nên những ai không vượt qua được sự khác biệt về ý thức hệ, mà vẫn nuôi lòng hận thù, gây hiềm khích trong lòng dân tộc, không chấp nhận những biểu đạt trái chiều thì dù họ là ai cũng đều có thể khẳng định đó là những người mang bản tính hẹp hòi, ích kỷ, đặt lợi ích của bản thân, của phe nhóm lên trên lợi ích của quốc gia dân tộc.

Những người nuôi lòng hận thù, gây chia rẽ dân tộc như Phạm Trần và những thành phần cơ hội chính trị cần phải hiểu rằng với bất kỳ một đất nước nào, quốc thái dân an luôn là nền tảng cho sự phát triển bền vững và đó cũng là khát vọng của mọi người dân yêu nước. Nhưng để có quốc thái dân an, trước hết phải có tinh thần hòa hợp dân tộc!